Nhóm thực phẩm nói chung đang dẫn đầu mức tăng trong chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 do Tổng cục Thống kê công bố.
Trứng tăng 10,28%, rau củ quả tăng gần 10%…
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 29.8 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,25%, trong đó khu vực thành thị tăng 0,34%, cao hơn mức tăng 0,14% của khu vực nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm của khu vực thành thị có mức tăng cao.
Tính chung trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước, 4 nhóm giảm giá, 3 nhóm giữ giá ổn định là nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác.
Trong 4 nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8 có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,74% đã làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm. Tổng cục Thống kê nhận định do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 trong khi nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãnca1ch xã hội. Cụ thể như chỉ số giá gạo tăng 0,44% vì giá bột mỳ và ngũ cốc khác tăng 3,98% so với tháng trước;, giá lương thực chế biến như bún, phở, bánh đa, mỳ ăn liền, bánh mỳ tăng 0,82%. Hay giá thịt gia cầm tăng 0,66% so với tháng trước, trong đó giá thịt gà tăng 0,74%; giá thịt gia cầm khác tăng 0,44%; giá thịt gia cầm đông lạnh tăng 0,57%.
Đặc biệt, thống kê từ Tổng cục Thống kê cho thấy giá trứng các loại tăng 10,28% so với tháng trước. Đồng thời, giá thủy sản tươi sống tăng 2,24% so với 7. Trong đó giá cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 2,48%; tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng 2,01%; thủy hải sản tươi sống khác tăng 1,62%. Hay giá tăng cao nhất ở rau dạng củ quả với 9,44%; rau bắp cải tăng 8,78%; khoai tây tăng 6,88%; rau muống tăng 5,64%; rau gia vị tươi hoặc khô tăng 4,25%; rau tươi khác tăng 4,08%… Chỉ riêng thịt heo giảm 1,81% so với tháng 7 do dịch tả lợn châu Phi ở các địa phương được kiểm soát tốt, nguồn cung tăng.
Ngoài thực phẩm, giá điện sinh hoạt tăng 0,35% so với tháng trước (làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm) chủ yếu tăng ở các địa phương không được hỗ trợ giảm giá tiền điện. Giá gas tăng 2,95% so với tháng trước theo giá gas thế giới. Nhưng một số giá khác giảm như tiền thuê nhà giảm 1,7% so với tháng trước chủ yếu do nhiều hộ gia đình giảm giá để chia sẻ khó khăn với người dân; Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,2% so với tháng trước do giá thép, giá cát, giá xi măng đã tăng cao ở các tháng trước…
Không lo lạm phát mà lo giảm phát
So với tháng 12.2020, CPI tháng 8 tăng 2,51%. Còn chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.
Tổng cục Thống kê phân tích, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 8 tháng năm nay là gái xăng dầu trong nước được điều chỉnh 14 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 4.660 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.380 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.290 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 8 tháng năm nay tăng 22,86%, làm CPI chung tăng 0,82 điểm phần trăm. Hay giá bán lẻ gas trong nước của 8 tháng qua được điều chỉnh tăng 6 đợt và giảm 2 đợt, bình quân 8 tháng giá gas tăng 20,26% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm. Tương tự, giá dịch vụ giáo dục 8 tháng tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước; Giá gạo trong nước 8 tháng năm 2021 tăng 6,68% so với cùng kỳ năm trước đã làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm; Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 8 tháng năm nay tăng 6% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, góp phần làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, chỉ số giá tiêu dùng bình quân sau 8 tháng tăng thấp hơn những năm trước do nhu cầu tiêu thụ nói chung sụt giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn. Chỉ có một số tỉnh thành như ở TP.HCM giá lương thực, thực phẩm tăng cao do vận chuyển khó khăn để phòng chống dịch nhưng ở nhiều tỉnh thành hàng hóa lại dư thừa nên giá rớt sâu. Vì vậy việc CPI tăng thấp cũng không phải là niềm vui mà đang cho thấy nỗi lo giảm phát nếu hoạt động cung cầu tiếp tục bị gián đoạn, ách tắc trong khâu tiêu thụ kéo theo sản xuất đình trện, nhất là ở các tỉnh thành phía Nam khi phải tập trung phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy ông cho rằng các tỉnh thành nói riêng và Chính phủ cần nhanh chóng có giải pháp để từng bước mở cửa cho nền kinh tế hoạt động trở lại càng sớm càng tốt. Nếu dịch bệnh được kiểm soát là điều tốt nhưng trong giai đoạn dịch vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn thì vẫn cần có phương án vừa hoạt động kinh tế vừa phòng chống Covid-19 như nhiều nước trên thế giới vẫn thực hiện vì dịch có khả năng lặp đi lặp lại. “Nhiều nước rất sợ bị giảm phát vì khi đó cho thấy kinh tế suy giảm, công ăn việc làm ít đi và an sinh xã hội sẽ thành vấn đề nặng. Hơn nữa, khi đứt gãy chuỗi tiêu thụ, sản xuất thì việc khôi phục trở lại cũng sẽ mất nhiều thời gian”, chuyên giia Đinh Thế Hiển nói.
MAI PHƯƠNG
Báo Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét