CHUYÊN BÁN: BÃ HÈM BIA KHÔ TOÀN QUỐC

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

Sớm giải quyết các khó khăn cho ngành chăn nuôi



Ngày 1/9, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức họp trực tuyến về sản xuất chăn nuôi, cung – cầu thực phẩm các tháng cuối năm 2021, khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tại buổi họp, các doanh nghiệp và địa phương cho biết, còn nhiều khó khăn trong vận chuyển, giá cả, tiêm vaccine… cần được sớm giải quyết.



Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi, dịch COVID-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng nên giá vật tư đầu vào sản xuất đều tăng cao, đặc biệt là giá nguyên liệu thức ăn và thức ăn chăn nuôi, làm cho giá thành sản xuất tăng theo. Mọi chi phí cho lưu thông vận chuyển hàng hóa đều tăng, nên lợi ích không hài hòa giữa 3 khâu: sản xuất – lưu thông – tiêu dùng.



Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, do giãn cách xã hội nên các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể, trường học đóng cửa, vì vậy nhu cầu thực phẩm giảm rõ rệt. Do nhu cầu giảm, lưu thông khó khăn nên sản phẩm quá lứa, ứ đọng sản xuất, khó tái đàn. Giá tiêu thu sản phẩm rất thấp, đặc biệt là gà công nghiệp trắng khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ dao động từ 6-10 nghìn đồng/kg (giá thành 27-29 nghìn đồng/kg). Hiện nay một số doanh nghiệp lớn như gà công nghiệp trắng chỉ tiêu thụ khoảng 5-10%, có tới 50% gà công nghiệp trắng quá lứa trên 3,8 kg/con, gà lông màu tiêu thụ được khoảng 50-70%, lợn tiêu thụ được khoảng 70-80%.



Các chuỗi cung ứng vật tư đầu vào, cũng như phân phối sản phẩm đầu ra bị gián đoạn, do đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống hay các cửa hàng thực phẩm…



“Hiện việc lưu thông hàng hóa tại các quốc lộ và tỉnh lộ cơ bản thông suốt nhưng một số địa phương ở huyện, xã, thôn vẫn gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa, phải tăng bo… Một số địa phương, người ngồi trên phương tiện vận chuyển bắt buộc phải có kết quả phân tích PCR mà không chấp nhận test nhanh, và chỉ chấp nhận kết quả trong 24 hoặc 48 giờ. Điều này không thống nhất với quy định của Bộ Y tế làm khó khăn và gây tăng chi phí cho sản xuất”, ông Nguyễn Đức Trọng nêu.



Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, khâu vận chuyển của nhiều đơn vị đang gặp khó khăn và tốn kém chi phí. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam cho biết: “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn cả về sản xuất và lưu thông vận chuyển. Một số tỉnh có thực hiện chỉ thị chống COVID khác với Chính phủ nên gây chậm trễ, tăng phí lưu thông của doanh nghiệp… Trong khi đó, giá đầu ra sản phẩm giảm do cầu giảm, ảnh hưởng hàng tồn rất lớn tại trại. Điều này gây khó cho việc kiểm soát dịch bênh trên đàn, thu nhập người dân ảnh hưởng”.







Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: Báo nông Nghiệp Việt Nam





Nói thêm về những khó khăn, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho hay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng rất lớn tới việc phát triển. San Hà đang có chuỗi liên kết với đối tác nước ngoài về chăn nuôi nhưng nhiều đơn vị đã không ký kết hợp tác cho năm 2022 nữa vì 2021 đang gặp khó khăn.



“Rất mong các bộ, ngành có giải pháp để giảm phí vận chuyển, xét nghiệm cho doanh nghiệp khi lưu thông hàng hóa. Cứ 3 ngày, chúng tôi chi phí hàng trăm triệu đồng tiền xét nghiệm để lưu thông hàng. Ngoài ra cũng cần dành ưu tiên và sớm tiêm vaccine cho người lao động, đây là khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất sản phẩm của các doanh nghiệp”, bà Ngọc Hà nói.



Sau một thời gian dài thực hiện 3 tại chỗ, chi phí duy trì cho sản xuất của các doanh nghiệp ở mức cao, gồm việc ăn ở, xét nghiệm định kỳ, vận chuyển tăng do xét nghiệm lái xe và nhiều chi phí khác. Dù vậy, nhiều đơn vị vẫn khó giữ chân được người lao động vì thiếu nguồn vaccine tiêm phòng.



Theo bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân, ngoài việc hỗ trợ giảm thuế, phí, vận chuyển, cơ quan chức năng giúp cho người lao động được tiêm vaccine để doanh nghiệp giữ được công nhân sản xuất, cung ứng thực phẩm ra thị trường. “Nếu không có vaccine thì chúng tôi trả lương cỡ nào, thưởng nhiều, thì cũng chỉ giữ được tối đa 40- 50% lao động”.



Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, hiện nay những khó khăn trong lưu thông và tiêu thụ đã khiến lượng tồn kho đàn lợn ở nhiều doanh nghiệp rất lớn. Điều này vừa tốn kém chi phí vừa khiến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trên đàn. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương làm sao giải quyết tốt khâu lưu thông hàng hóa để giúp tiêu thụ sản phẩm, gia tăng lợi nhuận cho người nuôi.



Nhận định của Cục Chăn nuôi cho hay, hiện cơ bản ngành chăn nuôi vẫn cung ứng đủ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, dự kiến nếu dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế khôi phục vào cuối tháng 9, ngành chăn nuôi có thể hồi phục trong tháng tiếp theo và đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Nhưng nếu dịch được kiểm soát vào cuối quý 4 thì sẽ gặp nhiều khó khăn do giá cả tăng cao, các cơ sở giết mổ, chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi hoạt động giãn đoạn, không dám tái đàn, khiến nguồn cung Tết Nguyên đán bị ảnh hưởng lớn, có thể giảm 20%.



Trường hợp nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến sau Tết Nguyên đán, nguồn cung thực phẩm đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng, mất cân đối cung – cầu, nhiều cơ sở chăn nuôi có khả năng thua lỗ nặng, phải bỏ chăn nuôi, doanh nghiệp phá sản.



Để đảm bảo ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch là bài toán khó nhưng không phải không thể thực hiện. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đến nay, các huyện, tỉnh lộ đã thông thoáng cho lưu thông thì tại các xã, thôn bản, vẫn còn tồn tại. Nhiều nơi vẫn phải san hàng. Vấn đề này Thứ trưởng Tiến đề nghị các đơn vị, địa phương phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong lưu thông. “Đã quy định là xét nghiệm, test nhanh, có kết quả rồi thì cần phải tạo điều kiện để thông xe, thông hàng cho doanh nghiệp, người dân”, Thứ trưởng nói.



Thêm nữa, về tiêm vaccine, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Bởi lẽ đứng sau hàng chục nghìn người lao động là hàng chục triệu hộ nông dân, là chuỗi lương thực, thực phẩm. Nếu bị đứt gãy trong sản xuất, cung ứng, sẽ phải giải quyết việc đảm bảo lương thực cho người dân như thế nào?



Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho hay, về thức ăn gia súc, Bộ đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị giảm thuế về ngô, đỗ nhập khẩu… Ngoài các vấn đề trên, ông Tiến cũng đề nghị các tỉnh, thành phố có chính sách cả về tài chính, lưu thông hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp sớm ổn định sản xuất, cung ứng hàng hóa tới người dân…/.




Đức Dũng



BNEWS/TTXVN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét