CHUYÊN BÁN: BÃ HÈM BIA KHÔ TOÀN QUỐC
Hiển thị các bài đăng có nhãn tin tức chăn nuôi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tin tức chăn nuôi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

Sớm giải quyết các khó khăn cho ngành chăn nuôi



Ngày 1/9, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức họp trực tuyến về sản xuất chăn nuôi, cung – cầu thực phẩm các tháng cuối năm 2021, khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tại buổi họp, các doanh nghiệp và địa phương cho biết, còn nhiều khó khăn trong vận chuyển, giá cả, tiêm vaccine… cần được sớm giải quyết.



Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi, dịch COVID-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng nên giá vật tư đầu vào sản xuất đều tăng cao, đặc biệt là giá nguyên liệu thức ăn và thức ăn chăn nuôi, làm cho giá thành sản xuất tăng theo. Mọi chi phí cho lưu thông vận chuyển hàng hóa đều tăng, nên lợi ích không hài hòa giữa 3 khâu: sản xuất – lưu thông – tiêu dùng.



Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, do giãn cách xã hội nên các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể, trường học đóng cửa, vì vậy nhu cầu thực phẩm giảm rõ rệt. Do nhu cầu giảm, lưu thông khó khăn nên sản phẩm quá lứa, ứ đọng sản xuất, khó tái đàn. Giá tiêu thu sản phẩm rất thấp, đặc biệt là gà công nghiệp trắng khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ dao động từ 6-10 nghìn đồng/kg (giá thành 27-29 nghìn đồng/kg). Hiện nay một số doanh nghiệp lớn như gà công nghiệp trắng chỉ tiêu thụ khoảng 5-10%, có tới 50% gà công nghiệp trắng quá lứa trên 3,8 kg/con, gà lông màu tiêu thụ được khoảng 50-70%, lợn tiêu thụ được khoảng 70-80%.



Các chuỗi cung ứng vật tư đầu vào, cũng như phân phối sản phẩm đầu ra bị gián đoạn, do đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống hay các cửa hàng thực phẩm…



“Hiện việc lưu thông hàng hóa tại các quốc lộ và tỉnh lộ cơ bản thông suốt nhưng một số địa phương ở huyện, xã, thôn vẫn gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa, phải tăng bo… Một số địa phương, người ngồi trên phương tiện vận chuyển bắt buộc phải có kết quả phân tích PCR mà không chấp nhận test nhanh, và chỉ chấp nhận kết quả trong 24 hoặc 48 giờ. Điều này không thống nhất với quy định của Bộ Y tế làm khó khăn và gây tăng chi phí cho sản xuất”, ông Nguyễn Đức Trọng nêu.



Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, khâu vận chuyển của nhiều đơn vị đang gặp khó khăn và tốn kém chi phí. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam cho biết: “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn cả về sản xuất và lưu thông vận chuyển. Một số tỉnh có thực hiện chỉ thị chống COVID khác với Chính phủ nên gây chậm trễ, tăng phí lưu thông của doanh nghiệp… Trong khi đó, giá đầu ra sản phẩm giảm do cầu giảm, ảnh hưởng hàng tồn rất lớn tại trại. Điều này gây khó cho việc kiểm soát dịch bênh trên đàn, thu nhập người dân ảnh hưởng”.







Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: Báo nông Nghiệp Việt Nam





Nói thêm về những khó khăn, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho hay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng rất lớn tới việc phát triển. San Hà đang có chuỗi liên kết với đối tác nước ngoài về chăn nuôi nhưng nhiều đơn vị đã không ký kết hợp tác cho năm 2022 nữa vì 2021 đang gặp khó khăn.



“Rất mong các bộ, ngành có giải pháp để giảm phí vận chuyển, xét nghiệm cho doanh nghiệp khi lưu thông hàng hóa. Cứ 3 ngày, chúng tôi chi phí hàng trăm triệu đồng tiền xét nghiệm để lưu thông hàng. Ngoài ra cũng cần dành ưu tiên và sớm tiêm vaccine cho người lao động, đây là khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất sản phẩm của các doanh nghiệp”, bà Ngọc Hà nói.



Sau một thời gian dài thực hiện 3 tại chỗ, chi phí duy trì cho sản xuất của các doanh nghiệp ở mức cao, gồm việc ăn ở, xét nghiệm định kỳ, vận chuyển tăng do xét nghiệm lái xe và nhiều chi phí khác. Dù vậy, nhiều đơn vị vẫn khó giữ chân được người lao động vì thiếu nguồn vaccine tiêm phòng.



Theo bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân, ngoài việc hỗ trợ giảm thuế, phí, vận chuyển, cơ quan chức năng giúp cho người lao động được tiêm vaccine để doanh nghiệp giữ được công nhân sản xuất, cung ứng thực phẩm ra thị trường. “Nếu không có vaccine thì chúng tôi trả lương cỡ nào, thưởng nhiều, thì cũng chỉ giữ được tối đa 40- 50% lao động”.



Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, hiện nay những khó khăn trong lưu thông và tiêu thụ đã khiến lượng tồn kho đàn lợn ở nhiều doanh nghiệp rất lớn. Điều này vừa tốn kém chi phí vừa khiến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trên đàn. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương làm sao giải quyết tốt khâu lưu thông hàng hóa để giúp tiêu thụ sản phẩm, gia tăng lợi nhuận cho người nuôi.



Nhận định của Cục Chăn nuôi cho hay, hiện cơ bản ngành chăn nuôi vẫn cung ứng đủ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, dự kiến nếu dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế khôi phục vào cuối tháng 9, ngành chăn nuôi có thể hồi phục trong tháng tiếp theo và đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Nhưng nếu dịch được kiểm soát vào cuối quý 4 thì sẽ gặp nhiều khó khăn do giá cả tăng cao, các cơ sở giết mổ, chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi hoạt động giãn đoạn, không dám tái đàn, khiến nguồn cung Tết Nguyên đán bị ảnh hưởng lớn, có thể giảm 20%.



Trường hợp nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến sau Tết Nguyên đán, nguồn cung thực phẩm đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng, mất cân đối cung – cầu, nhiều cơ sở chăn nuôi có khả năng thua lỗ nặng, phải bỏ chăn nuôi, doanh nghiệp phá sản.



Để đảm bảo ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch là bài toán khó nhưng không phải không thể thực hiện. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đến nay, các huyện, tỉnh lộ đã thông thoáng cho lưu thông thì tại các xã, thôn bản, vẫn còn tồn tại. Nhiều nơi vẫn phải san hàng. Vấn đề này Thứ trưởng Tiến đề nghị các đơn vị, địa phương phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong lưu thông. “Đã quy định là xét nghiệm, test nhanh, có kết quả rồi thì cần phải tạo điều kiện để thông xe, thông hàng cho doanh nghiệp, người dân”, Thứ trưởng nói.



Thêm nữa, về tiêm vaccine, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Bởi lẽ đứng sau hàng chục nghìn người lao động là hàng chục triệu hộ nông dân, là chuỗi lương thực, thực phẩm. Nếu bị đứt gãy trong sản xuất, cung ứng, sẽ phải giải quyết việc đảm bảo lương thực cho người dân như thế nào?



Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho hay, về thức ăn gia súc, Bộ đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị giảm thuế về ngô, đỗ nhập khẩu… Ngoài các vấn đề trên, ông Tiến cũng đề nghị các tỉnh, thành phố có chính sách cả về tài chính, lưu thông hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp sớm ổn định sản xuất, cung ứng hàng hóa tới người dân…/.




Đức Dũng



BNEWS/TTXVN


Thị trường chăn nuôi cuối năm: Cần giải pháp thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ



Hiện nay cơ bản ngành chăn nuôi vẫn cung ứng đủ nhu cầu trong nước. Nếu dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế khôi phục vào cuối tháng 9, ngành chăn nuôi có thể hồi phục trong tháng tiếp theo và đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn thời gian dự kiến này thì nguồn cung sẽ giảm khoảng 20% đến Tết Nguyên đán.



Đây là thông tin được đại diện Cục Chăn nuôi đưa ra tại Hội nghị sản xuất chăn nuôi, cung – cầu thực phẩm các tháng cuối năm 2021 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 1/9.



Tại hội nghị, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, địa phương có vùng chăn nuôi lớn nhất cả nước cho biết, dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng tình hình chăn nuôi của Đồng Nai vẫn phát triển ổn định với 2,4 triệu con lợn; 2,3 triệu con gà; 7,1 triệu con chim cút; mỗi tháng cung cấp cho thị trường 30.000 tấn thịt lợn, 20.000 tấn thịt gia cầm…



Trên địa bàn Đồng Nai còn 9/62 cơ sở giết mổ đang hoạt động, chuỗi giết mổ, cung ứng thực phẩm của các doanh nghiệp cơ bản duy trì ổn định nhờ 70% nhân lực đã được tiêm phòng vaccine COVID-19. Dự báo về tình hình cung ứng thực phẩm cho thị trường các tháng cuối năm, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ông Sinh nhận định, riêng trên địa bàn Đồng Nai, tổng đàn lợn vẫn duy trì được 80-90%. Tuy nhiên, nguồn cung thịt gà có thể sẽ thiếu, nhất là gà ta vì hiện tại nhiều công ty đang bán trứng giống thành trứng thương phẩm.







Các sản phẩm chăn nuôi có thể thiếu hụt 20% nguồn cung vào Tết Nguyên đán nêu dịch không được kiểm soát vào quý IV – Ảnh: VGP/Đỗ Hương





Từ thực tế này, ông Sinh kiến nghị các địa phương có giải pháp giải phóng lưu thông, đẩy mạnh luân chuyển hàng hóa giữa, từ đó có thể tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi, giảm giá cho người tiêu dùng.



Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT có định hướng chiến lược về nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trong nước cũng như xuất khẩu, đồng thời đề nghị Bộ hỗ trợ Hà Nội định hướng, xây dựng được những chợ đầu mối chuyên ngành để tiêu thụ sản phẩm cho hộ chăn nuôi.



Đại diện khối doanh nghiệp, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết thời gian qua, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi giảm; thu nhập của người nông dân trong chuỗi liên kết bị ảnh hưởng. Chi phí thực hiện “3 tại chỗ” rất lớn, nhiều chi phí khác cũng tăng lên. Doanh nghiệp kiến nghị Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT của nhiều tỉnh tác động để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vaccine, nhất là vacine cho lái xe vận chuyển.



Cũng băn khoăn về vấn đề vaccine, bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân cho biết hầu hết công nhân của Công ty hiện đã tiêm vaccine mũi 1 trên 2 tháng rồi, có người 3 tháng mà chưa được tiêm mũi 2. Nếu không có vaccine thì dù có thêm lương, thưởng cao đến mấy, Công ty cũng chỉ giữ được nhiều nhất là 50% lượng công nhân làm việc, bà Phạm Thị Huân chia sẻ.



Tại cuộc họp, dại diện Cục Chăn nuôi đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi như đa dạng hoá kênh phân phối, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Cục Chăn nuôi cũng đề nghị các địa phương nghiên cứu mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối, vì đây là điểm cốt lõi ảnh hưởng mạnh nhất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ các địa phương.



Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đến nay, trong khi các tuyến giao thông tại các huyện, các tỉnh đã thông thoáng thì tại các xã, thôn bản, vẫn còn tồn tại việc áp dụng các biện pháp kiểm soát thiếu linh hoạt các phương tiện vận chuyển các sản phẩm chăn nuôi, nông sản nói chung. Nhiều nơi vẫn phải san hàng. Vấn đề này Thứ trưởng Tiến đề nghị các đơn vị, địa phương phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong lưu thông. “Đã quy định là xét nghiệm, test nhanh, có kết quả rồi thì cần phải tạo điều kiện để thông xe, thông hàng cho doanh nghiệp, người dân”, Thứ trưởng nói.



Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh hết sức quan tâm và ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm nói chung. Bởi lẽ đứng sau hàng chục nghìn người lao động là hàng chục triệu hộ nông dân, là chuỗi lương thực, thực phẩm không thể bị đứt gãy, việc này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của toàn xã hội.



Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, về thức ăn gia súc, Bộ đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị giảm thuế về ngô, đỗ nhập khẩu… Ngoài các vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố có chính sách cả về tài chính, lưu thông hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp sớm ổn định sản xuất, cung ứng hàng hóa tới người dân.




Đỗ Hương



Báo Điện tử Chính Phủ


Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho TP. HCM, Bình Dương



Ngày 23/8, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo nhanh gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm cho thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội từ ngày 23/8 đến 6/9/2021.




Nguồn cung đảm bảo



Theo tổng hợp của Tổ công tác, sản lượng gạo cung ứng của các tỉnh, thành phía Nam từ tháng 8-12/2021 sẽ đạt 7,1 triệu tấn; trong đó, Đông Nam Bộ 540.000 tấn và Đồng bằng sông Cửu Long 6,6 triệu tấn.



Tổng nhu cầu gạo tiêu dùng từ nay đến cuối năm là 3,16 triệu tấn; trong đó, Đông Nam Bộ 1,6 triệu tấn và Đồng bằng sông Cửu Long 1,56 triệu tấn. Cân đối cung cầu gạo, ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho cả Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu.



Sản lượng rau, củ sản xuất được từ tháng 8-12/2021 tại các tỉnh phía Nam là 3,18 triệu tấn. Nhu cầu tiêu thụ trong vùng là gần 1,7 triệu tấn. Cân đối cung cầu rau toàn vùng, ngoài việc cung ứng cho người dân, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gần 1,5 triệu tấn rau, củ các loại cần được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.



Trong khi đó, tổng sản lượng trái cây vùng Nam Bộ từ tháng 9-12/2021 là 1,75 triệu tấn. Chỉ riêng sản lượng thu hoạch trong tháng Chín là 406.000 tấn, các loại cây ăn quả còn sản lượng lớn là thanh long, xoài, chuối, cam, bưởi, nhãn, mít… Với sản lượng thu hoạch lớn, trái cây là mặt hàng cần khuyến khích tiêu dùng mạnh trong mùa dịch nếu tình hình xuất khẩu gặp khó khăn.



Về thực phẩm, nguồn cung sản phẩm chăn nuôi vẫn duy trì đa dạng và không có biến động; trong đó, nguồn cung thịt lợn và trứng gia cầm tốt, cung ứng đủ cho hệ thống siêu thị, các mặt hàng thịt đông lạnh vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu về theo nhu cầu thị trường.



Cụ thể, sản lượng thịt lợn của khu vực Nam Bộ trong tháng Tám là 126.000 tấn (4.200 tấn/ngày); tháng Chín là 120.000 tấn (4.000 tấn/ngày). Sau khi cân đối nhu cầu nội tỉnh, các địa phương có nguồn cung lớn, ổn định có thể cung ứng cho các tỉnh khác là Đồng Nai 1.000 tấn/ngày, Bình Dương 415,5 tấn/ngày, Bình Phước 386,4 tấn/ngày. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, khả năng tự cung ứng trong tháng Tám là 76,9 tấn/ngày, tháng Chín là 76 tấn/ngày.



Với thịt gia cầm, tổng sản lượng cung ứng của 19 tỉnh thành phía Nam khoảng 1.800 tấn/ngày; trong tháng 8 là 54.000 tấn, tháng 9 là 50.000 tấn. Sau khi cân đối nhu cầu nội tỉnh, các địa phương có nguồn cung lớn, ổn định là Đồng Nai 384,3 tấn/ngày, Bình Dương 127,1 tấn/ngày, Vĩnh Long 120,3 tấn/ngày.



Đối với thịt bò, tổng sản lượng của khu vực khoảng 348,3 tấn/ngày, trong tháng 8 là 10.449 tấn, tháng 9 là 10.000 tấn. Sau khi cân đối nhu cầu nội tỉnh, các địa phương có nguồn cung lớn, ổn định là Bến Tre 69,6 tấn/ngày, Tiền Giang 43 tấn/ngày, Vĩnh Long 25 tấn/ngày và nguồn thịt bò nhập khẩu…



Theo đánh giá của Tổ công tác, nhu cầu tiêu thụ của người dân trong giai đoạn giãn cách giảm nhiều so với giai đoạn chưa có dịch xảy ra, do đó với lượng thịt lợn, gà được giết mổ hiện nay vẫn đủ để cung cấp cho người dân.




Duy trì kết nối tiêu thụ



Tính đến ngày 20/8 Tổ Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập hợp được 1.218 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm với đầy đủ các nhóm mặt hàng, bao gồm rau củ, trái cây, thủy hải sản, lương thực… của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và trang trại, doanh nghiệp, ban quản lý chợ.



Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ trưởng Tổ công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Tổ công tác đang thí điểm gói 10kg/túi nông sản, được nhiều tỉnh, thành tham gia nhằm giúp nông dân tiêu thụ được nông sản đang ùn ứ tại tỉnh và người tiêu dùng tại các khu cách ly, khu nhà trọ công nhân tiếp cận được nông sản tươi giá rẻ, bình quân 10.000 đồng/kg.



Theo số liệu đăng ký từ các tỉnh, khả năng cung cấp về Thành phố Hồ Chí Minh là 80.000 túi/tuần (tương đương 800 tấn/tuần). Nếu có hỗ trợ vận chuyển thì khả năng cung cấp có thể tăng lên 120.000-150.000 túi/tuần (tương đương 1.200-1.500 tấn/tuần).



Qua báo cáo từ các tỉnh gửi về Tổ công tác, giá lúa tươi hiện nay tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã có xu hướng tăng trở lại sau khi giảm sâu ở thời điểm cuối tháng Bảy.





Dam bao nguon cung luong thuc, thuc pham cho TP. HCM, Binh Duong hinh anh 2



Tình nguyện viên đi chợ giúp người dân mua hàng hóa, thực phẩm trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)





Tình hình tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long có khá hơn do các tỉnh tích cực tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh thu mua. Các địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho việc bố trí nhân công cũng như phương tiện trong việc thu hoạch lúa như áp dụng phân vùng xanh, vàng, đỏ cho mức độ nguy cơ dịch bệnh COVID-19.



Các địa phương, phối hợp trong việc điều phối máy gặt đập liên hợp giữa các tỉnh cho diện tích lúa đến thời điểm thu hoạch; có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, những người tham gia khâu lưu thông hàng hóa được tiêm vaccine; tạo điều kiện kết nối thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân.



Trong khi đó, thu mua và tiêu thụ trái cây vẫn gặp khó khăn do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, dẫn đến giá bán trái cây thấp.



Cụ thể, thanh long đang thu hoạch chính vụ tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, giá bán thấp. Thanh long ruột trắng 2.000-3.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ 3.000-5.000 đồng/kg, với giá bán hiện nay nông dân sản xuất không có lãi và lỗ với những hộ đầu tư thâm canh cao.



Với chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giá bán tương đối tốt nhưng các loại chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giá bán tại vườn thấp 2.000-4.000 đồng/kg. Tiêu thụ trong nước bắt đầu chậm lại do tác động của dịch bệnh.



Cây nhãn đang thu hoạch chính vụ, tiêu thụ chậm, gặp khó khăn do thiếu thương lái thu mua, một số nông dân phải để lưu trái trên cây, dẫn đến giá thu mua giảm chỉ bằng khoảng 50% so với năm trước.



Nhãn Eldor tại vườn 8.000-10.000 đồng/kg; nhãn xuồng cơm vàng 10.000-15.000 đồng/kg. Giá chanh ở một số tỉnh có diện tích lớn như Long An, Đồng Tháp cũng đang ở mức rất thấp 1.500-2.000 đồng/kg và ít thương lái thu mua.



Giá sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tại các tỉnh phía Nam cũng đang giảm, cụ thể, thịt lợn hơi 50.000-54.000 đồng/kg (giảm gần 16% so tháng trước), thịt gà siêu thịt công nghiệp phổ biến thấp dưới 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000-28.000 đồng/kg (giảm 19%).



Với việc giảm mạnh cầu do giãn cách xã hội, thị trường thịt sẽ tiếp tục khó khăn cho các sản phẩm chăn nuôi lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới.




Sẵn sàng “phương án 2” cho các “điểm nóng”



Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai đang là những địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước và áp dụng triệt để việc giãn cách xã hội. Trong bối cảnh đó, Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên nắm bắt nhu cầu lương thực, thực phẩm của các địa phương và phối hợp các ngành lên phương án dự phòng.



Tại Đồng Nai, nhu cầu gạo khoảng 550 tấn/ngày, 16.740 tấn/tháng; nhu cầu rau củ khoảng 775 tấn/ngày, 23.250 tấn/tháng. Tiêu thụ thịt cá các loại khoảng 370 tấn/ngày, 11.160 tấn/tháng; trứng khoảng 1,55 triệu quả/ngày, 46,5 triệu quả/tháng; trái cây khoảng 470 tấn/ngày, 13.950 tấn/tháng.



Từ nay đến cuối năm, Đồng Nai có thể tự cân đối được nhu cầu những loại lương thực thực phẩm cơ bản. Một số sản phẩm có sản lượng lớn, cung cấp cho các tỉnh thành và xuất khẩu như thịt các loại 180.000 tấn, trứng gia cầm 370 triệu quả, trái cây 150.000 tấn.



Tại Bình Dương, nhu cầu gạo khoảng 540 tấn/ngày, 16.200 tấn/tháng; rau khoảng 670 tấn/ngày, 20.100 tấn/tháng. Nhu cầu sản phẩm chăn nuôi hàng ngày khoảng 294 tấn thịt các loại; trong đó, 190 tấn thịt lợn, 74 tấn thịt gà, 30 tấn thịt trâu bò và 930 nghìn trứng gia cầm.



Nhu cầu tiêu thụ trái cây khoảng 400 tấn/ngày, 12.000 tấn/tháng.Với năng lực sản xuất hiện tại, Bình Dương đảm bảo khả năng cung ứng thịt các loại nhưng thiếu khoảng 64.000 quả trứng gia cầm/ngày.



Thành phố Hồ Chí Minh với dân số khoảng 10 triệu người, nhu cầu lương thực, thực phẩm hàng ngày của thành phố là rất lớn so với các tỉnh, thành khác; trong đó, nhu cầu gạo khoảng 1.980 tấn/ngày; 59.400 tấn/tháng. Tiêu thụ rau củ quả khoảng 4.200 tấn/ngày; 126.000 tấn/tháng.



Hiện nay, các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều ngưng hoạt động, các cơ sở giết mổ chế biến sản phẩm từ thịt cũng giảm công suất, cư dân các tỉnh về quê nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh.



Cụ thể, thịt lợn giảm 37%, thịt gà giảm 28%, thịt bò giảm 56%, trứng gia cầm giảm khoảng 20%. Hiện mỗi ngày thành phố tiêu thụ 1,032 tấn thịt các loại, trong đó 475,7 tấn thịt lợn, 475,2 tấn thịt gà, 81,4 tấn thịt trâu bò và 1,8-2 triệu quả trứng. Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tự cung cấp 10% thịt các loại và dưới 5% trứng, còn lại được cung ứng từ các tỉnh lân cận.



Lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hhí Minh đã cam kết đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân. Tuy nhiên, Tổ công tác phối hợp với Tổng cục Hậu cần của Bộ Quốc phòng vẫn xây dựng phương án 2, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương khi có chỉ đạo của Chính phủ và Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đảm bảo cung ứng cho người dân trong những ngày thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.



Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Nam Bộ tham mưu, đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhân công, máy móc nhanh chóng thu hoạch lúa lúa Hè Thu. Đồng thời, khẩn trương xuống giống lúa Thu Đông theo lịch thời vụ. Các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thu mua, vận chuyển, xay xát, chế biến, tiêu thụ nông sản được thuận lợi trong tình hình tuân thủ các quy định về phòng dịch ở địa phương.



Các địa phương tăng cường vai trò của các hợp tác xã, mở các hình thức liên kết trong các chuỗi sản xuất nông sản, hình thành vùng nguyên liệu, kết nối cung cầu của tất cả các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương trong thời gian từ nay đến cuối năm và hoàn thiện các liên kết trong thời gian tới.



Địa phương mở rộng liên kết rải vụ thu hoạch nông sản để chủ động cung ứng và hạn chế hiện tượng thừa cung ở một vài thời điểm trong năm, trước mắt là lúa gạo, rau màu, cây ăn trái và thủy sản trong năm 2021.



Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các địa phương rà soát, triển khai các kế hoạch sản xuất ngành nông nghiệp trong tình hình hiện nay có tính toán đến thời gian bình thường mới, đẩy mạnh các giải pháp giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí trong tất cả các hoạt động của chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản./.




Xuân Anh-Bích Hồng




TTXVN/Vietnam+


Dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại Điện Biên



đang diễn biến khá phức tạp tại tỉnh Điện Biên. Chỉ trong 10 ngày, tại 4 huyện Tủa Chùa, Điện Biên, Mường Ảng, TP.Điện Biên Phủ đã phải tiêu huỷ 254 con với hơn 16.500 kg.





Lợn mắc bệnh được đem đi tiêu huỷ /// Ảnh: Nguyễn Phúc



Lợn mắc bệnh được đem đi tiêu huỷ. ẢNH: NGUYỄN PHÚC





Theo Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên, thống kê của Chi cục Thú y Điện Biên cho thấy, từ 11 – 20.8, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 104 hộ chăn nuôi ở 45 thôn bản của 19 xã thuộc 4 địa phương: H.Điện Biên, H.Tủa Chùa, H.Mường Ảng và TP.Điện Biên Phủ. Tổng số lợn phải tiêu hủy là 254 con với tổng trọng lượng 16.572 kg.Cũng theo Sở NN-PTNT Điện Biên, những ngày gần đây, số lượng lợn mắc bệnh phải tiêu huỷ tăng 108 con (H.Điện Biên tăng 57 con; TP.Điện Biên Phủ tăng 27 con; H.Tủa Chùa tăng 16 con; H.Mường Ảng tăng 8 con). Riêng H.Nậm Pồ và TX.Mường Lay không phát sinh gia súc mắc bệnh.



Nếu tính từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phí đã xảy ra tại 626 hộ chăn nuôi ở 169 thôn, bản của 40 xã thuộc 6 địa phương: Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng, Nậm Pồ, TX.Mường Lay và TP.Điện Biên Phủ. Tổng số lợn tiêu huỷ từ đầu năm nay là 1.988 con, trọng lượng gần 100.000 kg.Đến nay, mới có 21 xã đã qua 21 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh, tiêu hủy. Trong đó, mới có 4 xã đã công bố hết dịch trên địa bàn gồm: Tủa Thàng, Mường Đun (H.Tủa Chùa); P.Sông Đà (TX.Mường Lay); xã Ẳng Cang (H.Mường Ảng).Chi cục Thú y của Sở NN-PTNT dự báo nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao do bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa. Đáng lo ngại là, tỷ lệ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh chiếm trên 95% nên khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.




ĐAN HẠ



Báo Thanh Niên


Tiền Giang: Bệnh viêm da nổi cục ở bò bùng phát



Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vừa xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên bò với 25 hộ ở 12 ấp của 6 xã, ở 2 huyện Chợ Gạo và Tân Phước, với số bò nhiễm bệnh là 48/132 con.



Sáng 25-8, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết vừa phát hiện bệnh viêm da nổi cục trên bò xuất hiện đầu tiên trên địa bàn xã Song Bình (huyện Chợ Gạo) và xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước).



Đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 25 hộ ở 12 ấp của 6 xã, thuộc 2 huyện Chợ Gạo và Tân Phước, với số bò nhiễm bệnh 48 con trên tổng số đàn là 132 con. 





Bệnh viêm da nổi cục ở bò bùng phát tại Tiền Giang - Ảnh 1.



Cơ quan thú y Tiền Giang đang kiểm tra đàn bò tại xã Song Bình, huyện Chợ Gạo – Ảnh: HOÀI THƯƠNG





Bệnh viêm da nổi cục gây triệu chứng giảm sữa, giảm ăn, giảm khả năng sinh sản, tổn thương da…, có thể dẫn đến gia súc tử vong.



Hiện tại, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã mua 50.000 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên bò để chủ động tiêm phòng bệnh tập trung tại 2 huyện Chợ Gạo và Tân Phước. Sau đó, triển khai tiêm ở các địa bàn có nguy cơ cao như lò giết mổ, địa bàn giáp ranh ổ dịch và các ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn tỉnh.





Bệnh viêm da nổi cục ở bò bùng phát tại Tiền Giang - Ảnh 2.



Một con bò bị bệnh viêm da nổi cục tại xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước – Ảnh: HOÀI THƯƠNG





Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang khuyến cáo người dân khi mua trâu, bò phải kiểm tra rõ nguồn gốc, phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật của cơ quan thú y trong trường hợp mua con giống ngoài tỉnh. Tiêu độc khử trùng thường xuyên chuồng trại, địa phương kiểm soát tốt công tác giết mổ và quản lý việc tiêm vắc xin phòng dịch bệnh trên gia súc.



UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục rà soát mầm bệnh viêm da nổi cục trên gia súc, ưu tiên tiêm vắc xin tại khu vực đang nhiễm bệnh. Đồng thời, chính quyền địa phương phải tuyên truyền rộng rãi các thông tin liên quan đến triệu chứng và cách chữa trị cho người dân nắm rõ, lưu ý cần tách con bệnh ra khỏi đàn sớm nhất.



Đặc biệt, các đơn vị liên quan không được chủ quan, lơ là trước bệnh viêm da nổi cục. Cần có cảnh báo để người chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh kịp thời tiêm vắc xin dập nguồn lây bệnh.





Bệnh viêm da nổi cục ở bò bùng phát tại Tiền Giang - Ảnh 3.



Nhân viên thú y đang lấy mẫu để xét nghiệm bệnh viêm da nổi cục trên bò – Ảnh: HOÀI THƯƠNG






HOÀI THƯƠNG



Báo Tuổi Trẻ


Đắk Lắk: Dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát



Sau một thời gian được khống chế, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện trở lại ở huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk).



Chỉ gần chục ngày trước, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đương ở thôn Hiệp Hòa (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) luôn bận rộn chăm sóc đàn lợn 16 con của gia đình. Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ đàn lợn đột nhiên bị mắc bệnh và chết hàng loạt, gồm 03 con heo mẹ và 13 heo thịt.




Cơ quan chức năng huyện Cư M’gar tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh. Ảnh: TD.


Cơ quan chức năng huyện Cư M’gar tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh. Ảnh: TD.





Sau khi được ngành chức năng xác định lợn chết do do bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), đàn lợn buộc phải tiêu hủy (tổng trọng lượng 1.474 kg), tiến hành phun hóa chất tiêu độc, khử trùng và tiến hành rắc vôi bột khu vực chăn nuôi theo quy định của các cơ quan chuyên môn.



Gia đình ông Đương cũng là hộ chăn nuôi đầu tiên trên địa bàn xã xuất hiện DTLCP. Đưa chúng tôi đi thăm khu vực chăn nuôi lợn của gia đình, ông Đương buồn bã kể: Đã nuôi lợn năm thứ 6 rồi, năm nay mới bị bệnh này, đến giờ ông cũng không biết nguồn bệnh ở đâu, vì nhà ở xa khu dân cư, gần như không có tiếp xúc với ai. Ngày đầu chỉ 01 con bị bệnh nhưng sang đến ngày thứ 02 thì đồng loạt nằm rạp hết và bị chết rất nhanh, không kịp điều trị…



Ông Nguyễn Quang Đức, Trưởng trạm Thú y và Chăn nuôi huyện Cư M’gar cho biết: Khi phát hiện ổ dịch, Trạm đã báo cáo các cấp có thẩm quyền, đồng thời phối hợp với địa phương triển khai những biện pháp phòng, chống dịch. Do chưa xác định được nguồn lây, trước mắt chúng, Trạm tập trung tuyên truyền; khoanh vùng ổ dịch; hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, ngăn ngừa ổ bệnh lây lan…




Tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh. Ảnh: TD.


Tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh. Ảnh: TD.





Theo thông tin từ Trạm Thú y và Chăn nuôi huyện Cư M’gar, ổ DTLCP đầu tiên xuất hiện trên địa bàn huyện vào ngày 27/01/2021. Đến nay đã có 05 hộ chăn nuôi ở 05 thôn của 04 xã gồm Ea Kpam, Cư Suê, Ea Kiết và xã Quảng Hiệp có lợn bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 175 con lợn, với tổng trọng lượng 7.167 kg. Trong đó, xã Ea Kpam có số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy nhiều nhất, với 133 con, xã Cư Suê, Quảng Hiệp (16 con) và Ea Kiết (10 con), chủ yếu xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với quy mô và số lượng lợn nuôi không lớn.



Nguyên nhân khiến DTLCP tái phát là do một số hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh tái đàn, lợn giống được mua không rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; một số hộ còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch…



Trước tình hình DTLCP tái bùng phát, ngành thú y huyện đã và đang phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo khống chế dịch nhanh và xử lý dứt điểm, không để dịch lây lan kéo dài. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan; vận động người dân thận trọng khi tái đàn, nhất là lựa chọn con giống phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhằm đảm bảo tái đàn an toàn…




Ông Nguyễn Ngọc Đương ở thôn Hiệp Hòa (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) bên chuồng lợn vừa có lợn bị mắc bệnh DTLCP phải tiêu hủy. Ảnh: TD.


Ông Nguyễn Ngọc Đương ở thôn Hiệp Hòa (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) bên chuồng lợn vừa có lợn bị mắc bệnh DTLCP phải tiêu hủy. Ảnh: TD.





“Hiện, giá thịt lợn xuống thấp, người dân ở một số nơi cũng đang có hiện tượng lơ là trong công tác nuôi dưỡng và cách ly, chính vì vậy khi lợn mắc bệnh không được chú tâm. Đặc biệt, sau khi có lợn bị mắc bệnh, có hộ đã gắng gượng chữa trị, chỉ đến khi lợn chết mới khai báo, điều này vô hình trung giúp mầm bệnh phát tán rộng rãi. Bên cạnh đó, việc vận chuyển lợn từ địa bàn huyện này sang địa bàn khác chưa được siết chặt, việc rơi vãi chất thải có chứa mầm bệnh trên đường, nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan là rất cao…”, ông Nguyễn Quang Đức, Trưởng trạm Thú y và Chăn nuôi huyện Cư M’gar cho biết.




Pa Sa



Báo Nông Nghiệp Việt Nam


Thịt, trứng, rau xanh tăng cao trong ‘rổ’ hàng hóa tháng 8



Nhóm thực phẩm nói chung đang dẫn đầu mức tăng trong chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 do Tổng cục Thống kê công bố.




Trứng tăng 10,28%, rau củ quả tăng gần 10%…



Báo cáo từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 29.8 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,25%, trong đó khu vực thành thị tăng 0,34%, cao hơn mức tăng 0,14% của khu vực nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm của khu vực thành thị có mức tăng cao.



Tính chung trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước, 4 nhóm giảm giá, 3 nhóm giữ giá ổn định là nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác.



Trong 4 nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8 có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,74% đã làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm. Tổng cục Thống kê nhận định do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 trong khi nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãnca1ch xã hội. Cụ thể như chỉ số giá gạo tăng 0,44% vì giá bột mỳ và ngũ cốc khác tăng 3,98% so với tháng trước;, giá lương thực chế biến như bún, phở, bánh đa, mỳ ăn liền, bánh mỳ tăng 0,82%. Hay giá thịt gia cầm tăng 0,66% so với tháng trước, trong đó giá thịt gà tăng 0,74%; giá thịt gia cầm khác tăng 0,44%; giá thịt gia cầm đông lạnh tăng 0,57%.



Đặc biệt, thống kê từ Tổng cục Thống kê cho thấy giá trứng các loại tăng 10,28% so với tháng trước. Đồng thời, giá thủy sản tươi sống tăng 2,24% so với 7. Trong đó giá cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 2,48%; tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng 2,01%; thủy hải sản tươi sống khác tăng 1,62%. Hay giá tăng cao nhất ở rau dạng củ quả với 9,44%; rau bắp cải tăng 8,78%; khoai tây tăng 6,88%; rau muống tăng 5,64%; rau gia vị tươi hoặc khô tăng 4,25%; rau tươi khác tăng 4,08%… Chỉ riêng thịt heo giảm 1,81% so với tháng 7 do dịch tả lợn châu Phi ở các địa phương được kiểm soát tốt, nguồn cung tăng.




Giá trứng tăng cao trong tháng 8 /// Ảnh:M.Phương


Giá trứng tăng cao trong tháng 8. ẢNH:M.PHƯƠNG





Ngoài thực phẩm, giá điện sinh hoạt tăng 0,35% so với tháng trước (làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm) chủ yếu tăng ở các địa phương không được hỗ trợ giảm giá tiền điện. Giá gas tăng 2,95% so với tháng trước theo giá gas thế giới. Nhưng một số giá khác giảm như tiền thuê nhà giảm 1,7% so với tháng trước chủ yếu do nhiều hộ gia đình giảm giá để chia sẻ khó khăn với người dân; Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,2% so với tháng trước do giá thép, giá cát, giá xi măng đã tăng cao ở các tháng trước…




Không lo lạm phát mà lo giảm phát



So với tháng 12.2020, CPI tháng 8 tăng 2,51%. Còn chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.



Tổng cục Thống kê phân tích, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 8 tháng năm nay là gái xăng dầu trong nước được điều chỉnh 14 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 4.660 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.380 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.290 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 8 tháng năm nay tăng 22,86%, làm CPI chung tăng 0,82 điểm phần trăm. Hay giá bán lẻ gas trong nước của 8 tháng qua được điều chỉnh tăng 6 đợt và giảm 2 đợt, bình quân 8 tháng giá gas tăng 20,26% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm. Tương tự, giá dịch vụ giáo dục 8 tháng tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước; Giá gạo trong nước 8 tháng năm 2021 tăng 6,68% so với cùng kỳ năm trước đã làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm; Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 8 tháng năm nay tăng 6% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, góp phần làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm.



Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, chỉ số giá tiêu dùng bình quân sau 8 tháng tăng thấp hơn những năm trước do nhu cầu tiêu thụ nói chung sụt giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn. Chỉ có một số tỉnh thành như ở TP.HCM giá lương thực, thực phẩm tăng cao do vận chuyển khó khăn để phòng chống dịch nhưng ở nhiều tỉnh thành hàng hóa lại dư thừa nên giá rớt sâu. Vì vậy việc CPI tăng thấp cũng không phải là niềm vui mà đang cho thấy nỗi lo giảm phát nếu hoạt động cung cầu tiếp tục bị gián đoạn, ách tắc trong khâu tiêu thụ kéo theo sản xuất đình trện, nhất là ở các tỉnh thành phía Nam khi phải tập trung phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy ông cho rằng các tỉnh thành nói riêng và Chính phủ cần nhanh chóng có giải pháp để từng bước mở cửa cho nền kinh tế hoạt động trở lại càng sớm càng tốt. Nếu dịch bệnh được kiểm soát là điều tốt nhưng trong giai đoạn dịch vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn thì vẫn cần có phương án vừa hoạt động kinh tế vừa phòng chống Covid-19 như nhiều nước trên thế giới vẫn thực hiện vì dịch có khả năng lặp đi lặp lại. “Nhiều nước rất sợ bị giảm phát vì khi đó cho thấy kinh tế suy giảm, công ăn việc làm ít đi và an sinh xã hội sẽ thành vấn đề nặng. Hơn nữa, khi đứt gãy chuỗi tiêu thụ, sản xuất thì việc khôi phục trở lại cũng sẽ mất nhiều thời gian”, chuyên giia Đinh Thế Hiển nói.




MAI PHƯƠNG



Báo Thanh Niên